Nỗi ám ảnh thường trực
Tìm hiểu của PV Báo PNVN, vòng xoay Mỹ Thủy hiện là nỗi ám ảnh thường trực của nhiều người dân khi lưu thông qua đây. Là vòng xoay, với làn đường hỗn hợp nên việc xe container, xe tải và xe moto đi chung cùng một làn đường dễ dẫn đến tai nạn giao thông.
Bà Nguyễn Thị Lan, 67 tuổi, nhà ở phường Thạnh Mỹ Lợi, cho biết: Khu vực vòng xoay Mỹ Thủy có lưu lượng lớn xe tải, xe container di chuyển mỗi ngày để vào cảng Cát Lái theo đường Nguyễn Thị Định. Lượng xe cộ đặc biệt đông trong các khung giờ cao điểm khi hàng hóa được bốc dỡ và đưa lên các xe container. Tình trạng phương tiện lưu thông dày đặc, xe máy đi song hành cùng container và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp thời khiến nơi đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hầu hết các vụ TNGT xảy ra đều giữa container và xe máy. Thời gian qua, liên tiếp các vụ tai nạn do xe đầu kéo gây ra làm ít nhất 4 người thương vong. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 15/12/2020, xe container BKS: 51C-230.53 lưu thông trên Võ Chí Công hướng từ Q7 đi Q2. Khi đến vòng xoay Mỹ Thủy, tài xế rẽ phải để vào cảng Cát Lái thì va chạm với xe máy BKS: 50X1-025.42 do một phụ nữ điều khiển. Nạn nhân ngã xuống đường và bị xe container kéo lê hơn 5m mới dừng lại.
Trước đó không lâu, một xe tải đã va chạm với xe máy BKS: 70S1-3453 khiến người điều khiển là anh Nguyễn Văn Thuận (26 tuổi) tử vong tại chỗ, một người khác bị thương phải đi cấp cứu. Sau khi gây tai nạn, tài xế xe tải bỏ chạy khỏi hiện trường.
Vào giữa tháng 6/2021, một vụ tai nạn giữa xe container BKS: 51D-180.43 và xe máy lưu thông trên đường Nguyễn Thị Định làm một thanh niên 20 tuổi thiệt mạng tại chỗ. Khi chúng tôi phỏng vấn thì những người dân khu vực này cho biết; xe container không chở hàng nhưng chạy tốc độ trên 50km/giờ và “ôm cua” không quan sát đã cán nát xe máy chạy cùng chiều.
Theo anh Nguyễn Lệ Thành, người kinh doanh cửa hàng tạp hóa trên đường Nguyễn Thị Định: “Tai nạn xảy ra tại khu vực này hầu hết là giữa xe đầu kéo, xe tải đụng xe gắn máy 2 bánh. Khi có lực lượng Cảnh sát giao thông túc trực thì không sao, các xe đều di chuyển chậm rãi, đúng luật. Nhưng mỗi khi Cảnh sát giao thông không có mặt là các “hung thần” bắt đầu đua nhau chạy loạn xạ, bất chấp luật và đèn tín hiệu nên TNGT và kẹt xe xảy ra thường xuyên”.
Đâu là hướng giải quyết?
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, cho biết: Công tác xử lý các “điềm mù” giao thông là 1 trong số 7 nhiệm vụ trọng tâm thuộc nhóm giải pháp “Khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu” của chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.
Hiện tại, TPHCM vẫn còn 7 “điểm đen” TNGT cần được xóa bỏ, gồm: Nhà 235 Nguyễn Văn Cừ (Q1), đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ đường Yersin đến đường Nguyễn Thái Học, Q1), đường Nguyễn Duy Trinh và nút giao Mỹ Thủy (Q2), cầu Nguyễn Tri Phương (Q5), cầu Sài Gòn 2 (Q.Bình Thạnh), vòng xoay An Sương (Q12 và H.Hóc Môn).
Tại nút giao Mỹ Thủy, phường Thạnh Mỹ Lợi, so với trước đây, tình trạng kẹt xe, xung đột giao thông đã giảm đáng kể. Nhưng để tách riêng dòng xe máy và xe container thì cần phải thi công hoàn chỉnh dự án nút giao thông này. Sau khi các công trình giao thông được hoàn chỉnh, các phương tiện lưu thông sẽ dễ dàng hơn, giảm tình trạng xe máy, ôtô cỡ nhỏ lưu thông cùng với các loại xe tải lớn, container.
Trước mắt, Sở GTVT đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kéo giảm tình hình giao thông phức tạp tại vòng xoay Mỹ Thủy, trong đó bao gồm việc tách pha trụ đèn điều khiển giao thông, xe 2 bánh đi thẳng sẽ không lưu thông cùng thời điểm với ôtô rẽ phải. Ngoài ra, Sở cũng đã bổ sung vạch sơn kẻ chữ số tốc độ tối đa cho phép, bổ sung 29 biển cảnh báo, tăng cường phản quang tại các đầu dải phân cách và tiến tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong xử phạt như bổ sung camera giám sát, xử phạt nguội.
Ông Trần Quang Lâm cho biết: “Mặc dù hiện nay tình hình giao thông tại TPHCM có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa thực sự bền vững, còn diễn biến phức tạp. Dân số tiếp tục gia tăng, lượng phương tiện giao thông gia tăng nên áp lực giao thông sẽ ngày càng lớn, đối diện với nhiều thách thức”.
Cũng theo ông Lâm, năm 2022 sẽ là năm đầu tiên tổ chức kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn này có nhiều quy định, chính sách mới về đầu tư được ban hành, trong đó có Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức. Do đó, việc đầu tư nguồn lực phát triển giao thông trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng
Mạnh Hùng/ https: phunuvietnam.vn